Bảo Yên là vùng đất có 2 dòng sông chảy qua (sông Hồng và sông Chảy). Nhờ đó, người nông dân ở Bảo Yên đã sản xuất ra những đặc sản ngon nhất Tây Bắc.
Đến với Bảo Yên, người ta không thể không nhắc đến quế. Vùng đất này có diện tích trồng quế lên tới 23.527ha, lớn nhất tỉnh Lào Cai. Lần đầu tiên, UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) tổ chức Lễ hội quế với hàng loạt các hoạt động. Từ cây quế, bà con Bảo Yên đã làm ra hàng chục sản phẩm.
Các sản phẩm cây quế Bảo Yên gồm: Quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát… Tất cả đều có giá trị kinh tế và được sử dụng làm gia vị, làm thuốc, đặc biệt tinh dầu quế được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng.
Bột quế Bảo Yên được hòa trộn với mật ong thuần khiết tự nhiên giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị đau xương khớp, chống béo phì, giúp hơi thở thơm tho… Đây là một sản phẩm chế biến sâu từ cây quế Bảo Yên, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân thay vì bán quế nguyên liệu.
Quế Bảo Yên còn được chế tác thành các vật dụng như ấm trà, bình hồ lô… Tất cả sản phẩm đều có mùi hương nồng nàn của quế. Đặc biệt khi pha trà bằng ấm quế, không chỉ được thưởng thức hương vị trà quyện với hương vị quế mà còn có mùi của quế bay lên ngào ngạt ngay từ khi rót nước đun sôi vào ấm.
Ống điếu để hút thuốc lào cũng được làm từ quế. Đây là một sản phẩm sáng tạo của bà con nông dân để thấy rằng cây quế gắn bó với họ đến nhường nào.
Tinh dầu quế của huyện Bảo Yên còn được chiết xuất trong các lọ nhỏ để treo trên xe ô tô. Một cải biến nhỏ này nhưng giúp sản phẩm quế dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn và sản phẩm cũng bán được giá cao hơn.
Một sản phẩm của bà con người Tày Bảo Yên được đan thủ công. Sản phẩm này có tên là “cái tẩu” – khá đặc biệt, không giống cách người đồng bằng thường gọi. “Cái tẩu” có thể sử dụng để đựng các vật dụng nhỏ hoặc cũng có thể dùng để đựng thực phẩm, gia vị quế.