Thần vệ Quốc – Nguyễn Hoàng Bẩy

Trong thời cổ đại và trung cận đại sông Hồng là tuyên mạch máu giao thông nội Tiền vùng Bắc bộ Việt Nam với vùng Vân Nam Trung Quốc. Dọc tuyến đường sông Hồng nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và cửa Bảo Hà là hậu cứ trực tiếp  đóng đại bản doanh của quân thuỷ bộ. Bảo Hà có đài hỏa hiệu, có trạm liên lạc thông tin tình hình cửa khẩu Bảo Thắng cho các Châu huyện phía dưới. Nhờ có đài hoa hiệu ở Bảo Thắng, Trấn Quy Hoá nắm được tình hình và kế hoạch tấn công của quân Nguyên, Mông (năm 1258- 1285) đã báo cho quân triều đình có kế hoạch phòng bị cửa ải Lê Hoa – tướng Trần Ban đã cho tu sửa các trạm đài Bảo Hà. Giữa niên hiệu cảnh Hưng (đời nhà Lê) trấn Bảo Hà (Trấn Hà) là trung tâm của Châu Văn Bàn. Trong thời kỳ này ở xã Khảu Bàn – Châu Văn bàn được xây dựng các thành luỹ trạm gác chống giặc cướp phương Bắc thường quấy nhiễu vùng biên giới. Vị trí Bảo Hà càng trở nên quan trọng – ở đây có đường sông Hồng, đường bộ (hữu ngạn sông Hồng) nối liền biên giới với lỵ sở Hưng Hoá; có tuyến đường nối liền với thành Ngự Lang (Phố Ràng) của dòng họ chúa Bầu (Vũ Văn Mật). 

Vào cuối đời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 -1786) khắp vùng phủ Quy Hoá nhất là Châu Thuỷ Vĩ, Châu Văn Bàn luôn bị giặc cướp vùng Vân Nam Trung Quốc tràn sang quấy nhiễu. Tác phẩm “Hưng hoá xứ phong thổ lục” của Tiến sĩ Hoàng Bình Chính viết năm 1778 ghi rõ: “Về vùng Thuỷ Vĩ khắp vùng loạn lạc, dân sư điều lần, ruộng đất bỏ hoang tướng giặc phải là phu Chẩn Tin Toòng cho quân đánh phá Thuỷ vĩ, chiếm trấn Văn Bàn. Trước tình hình giặc giã quấy đảo biên cương triều đình cử viên tướng thứ bẩy họ Nguyễn lên trấn thủ Quy Hoá. Đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ. Sau khi giải phóng Khảu Bàn, châu Văn Bàn danh tướng họ Nguyễn củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây danh tướng luôn tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập quân sĩ chờ thời cơ tiến đánh Lào Cai…Sau đó ông thống lĩnh quân Thuỷ và quân Bộ đánh Lào Cai”. 

Sau khi giải phóng các Châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái -Lào Cai) ông còn chiêu dụ các thổ bào đón người Dao, người Thổ và đặc biệt là người Nùng áo xanh về khẩu điền khai mỏ chịu thuế từ đó đời sống nhân dân các Châu thuộc phủ Quy Hoá ổn định phát triển kinh tế. Ngoài công trời đức biển anh dũng chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, nhiều truyền thuyết huyền thoại dân gian còn ghi lòng tạc dạ ghi ơn ông có công khai mỏ ở Khánh Yên, khai mỏ đồng ở Trịnh Lau, Sơn Yên(các mỏ này được khai thác từ thế kỷ XVIII, XIX tại địa bàn tỉnh Lào Cai).

Sau đó quân giặc cướp phương Bắc do tướng giặc là Tả tủ vàng Pạt lại đưa quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, ông Hoàng lại dẫn quân lên tham chiến. Nhưng trong trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh, xác ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà (nơi ngôi Đền hiện nay) thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng thương xót đã vớt xác ông lên chôn cất, lập miếu thờ do ông Lự Văn Cù đứng ra tổ chức chôn cất và thắp nhang hương khói.

Gần cuối thế kỷ XIX vùng Bảo Hà cũng là một căn cứ khá quan trọng của quân cờ Đen do Tam Tuyên đề đốc Lưu Vĩnh Phúc tập trung nghĩa quân thập châu kéo về Hà Nội đánh Pháp, trên đường qua Bảo Hà tướng Lưu Vĩnh Phúc cũng ra Đền thắp nhang khấn vái mong phù hộ và trích lương bổng tu sửa. Từ đó miếu càng tăng thêm phần linh thiêng và làm cho nhân dân càng thêm tôn kính ông Hoàng. Để ghi nhớ công lao của ông các triều Vua như Minh Mệnh, Thiệu trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt”. Đồng thời Đền cũng được các Vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc ” . Kể từ đó, các dân tộc anh em khắp vùng Bảo Hà – Văn Bàn luôn tôn thờ và tưởng nhớ đến công ơn của danh tướng Hoàng Bẩy

Đặc biệt ông còn hoá thân trong các điệu thần đạo Mẫu ở Việt Nam. Trong các đền thờ Mẫu suốt từ tỉnh miền núi tới đồng bằng, thậm chí ở cả các đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng có tượng thờ ông. Tượng và linh hồn ông trong các điện thờ Mẫu sánh vai với các gương anh hùng cứu nước, đã được nhân dân tôn thờ sùng bái như ông Hoàng đệ nhất là danh tướng của Lê Lợi. 

Như vậy, Đền Bảo Hà là nơi thờ đầu tiên và duy nhất của danh tướng Hoàng Bẩy, người thủ lĩnh vùng sơn cước với tầm vóc đầy mưu lược, điều binh khiển tướng, người làm cho quân giặc nhiều phen khiếp sợ kinh hoàng mà đem lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Từ một  am miếu nhỏ dần dần trở thành ngôi Đền khang trang có phong cảnh “trên bến dưới thuyền”, có thể đứng uy nghi vững trãi tồn tại qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử.