Lịch sử hình thành
Đền được xây dựng vào cuối thời nhà Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng họ Nguyễn mà theo truyền thuyết là người có công chống giặc ở vùng biên ải Lào Cai, bảo vệ lãnh thổ Đại Việt. Trong lịch sử, vùng Bảo Hà có vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Từ thời Trần, tại Lào Cai đã đặt hai cửa trấn ải là Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng quan. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện vùng phía dưới.
Giữa niên hiệu Cảnh Hưng (1740–1786), Bảo Hà là trung tâm của châu Văn Bàn. Bấy giờ, các châu Thủy Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hóa (gồm Yên Bái và Lào Cai ngày nay) thường bị giặc phương Bắc tràn sang quấy nhiễu. Xã Khẩu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành luỹ chống giặc. Trước tình hình đó, triều đình nhà Lê cử viên tướng họ Nguyễn lên trấn thủ Quy Hóa, dẹp loạn vùng biên ải. Ông đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi giặc cỏ, giải phóng Khẩu Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây ông tổ chức các thủ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa.
Sau này quân giặc phương Bắc do tướng Tả Tủ Vàng Pẹt lại đưa quân sang lãnh thổ Đại Việt, danh tướng họ Nguyễn lại đưa quân tham chiến. Song do trận chiến không cân sức, ông đã hy sinh. Xác ông bị đối phương vứt xuống sông Hồng, trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên an táng và lập miếu thờ. Về sau các vua nhà Nguyễn Minh Mạng, Thiệu Trị ban sắc phong tặng cho ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được cấp sắc phong là “Thần Vệ quốc”. Nhân dân thì tôn thờ ông là ông Hoàng Bảy, một trong mười Ông Hoàng thờ trong đạo Mẫu. Ông hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng.